19/4/16

Cư dân Era Town "kêu trời" vì bị cúp nước trong mùa nắng nóng

Chỉ vì không đóng tiền hay đóng một phần phí quản lý nhiều cư dân Era Town (phường Phú Mỹ, quận 7, TP.HCM) lâm vào cảnh khốn khổ khi BQL nhà chung cư cắt nước sinh hoạt hàng loạt ngay trong mùa nắng nóng.

can-ho-era-town-quan-7
Những ngày đầu tháng 4, nhiều cư dân Era Town ngỡ ngàng khi nhận giấy báo từ Ban quản lý (BQL) và bị cắt nước sinh hoạt. Theo những cư dân tại đây, việc cắt nước sinh hoạt ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống hàng ngày của cả gia đình, nhất là các em nhỏ.

Lao đao đi xin nước tắm

Anh N.V.G. (ngụ block B4) bức xúc cho rằng việc cắt nước của BQL là hết sức vô lý và làm cuộc sống của cả gia đình anh bị đảo lộn.

Anh G. cho biết đầu tháng 4, anh nhận được giấy thông báo về việc tạm ngưng cung cấp dịch vụ đối với gia đình mình vì lý do còn thiếu Phí quản lý tính đến ngày 30.4.2016 và Phí giữ xe máy tính đến ngày 31.5.2016.

Tuy nhiên, theo anh G. khi mua căn hộ anh được tư vấn về phí quản lý sẽ tính toán dựa trên cơ sở mặt bằng chung của phí chung cư. Đến tháng 4.2014, khi anh G. được bàn giao nhà thì BQL yêu cầu khách hàng chịu mức phí tạm thu là 7.000 đồng/mét vuông và hứa hẹn sau khi tổ chức Hội nghị nhà chung cư sẽ điều chỉnh phù hợp.

“Sau khi vào ở và nhận thấy phí quản lý không phù hợp, BQL đã thay đổi mức giá từ 7.000 đồng lên 7.600 đồng/mét vuông mà không thông qua bất kỳ cuộc họp lấy ý kiến hoặc đồng thuận của cư dân”, anh G. nói.

Chính vì không hài lòng với mức thu phí quản lý của BQL nên gia đình anh G. chỉ trả mức 5.000 đồng/mét vuông. Ngày 8.4, căn hộ của gia đình anh bị cắt nước. Sau khi yêu cầu lập biên bản làm việc thì anh được mở nước lại vào chiều tối cùng ngày.

Đến ngày 14.4, việc cắt nước tiếp tục xảy ra, thời gian cắt nước từ sáng sớm đến tận khuya vẫn không có nước làm sinh hoạt của cả gia đình anh G. bị xáo trộn. “Phải đi xin từng xô nước một của nhà hàng xóm để nấu ăn, sinh hoạt và cho người già với mấy đứa nhỏ tắm rửa. Trời thì nóng nực mà cắt nước vậy ai mà chịu nổi”, anh G. ngao ngán.

Trước sự việc trên, anh G. đã nhiều lần làm đơn kiến nghị lên UBND phường Phú Mỹ, UBND quận 7, UBND TP nhưng vẫn chưa nhận được hồi âm.

Không chỉ riêng căn hộ của anh G., mà nhiều căn hộ khác cũng trong tình trạng tương tự. chia sẻ trên diễn đàn dành riêng cho những cư dân ở Era Town, chị P.K. hoang mang: “Cho em hỏi về phí quản lý. Em vẫn đóng đầy đủ phí 5.000 đồng/ mét vuông từ tháng 5.2015 đến nay. Nhưng em vừa nhận được phiếu báo này (phiếu báo tạm ngưng cung cấp dịch vụ, gồm nước và giữ xe). Có anh chị nào giống em không ạ”.

Tương tự, anh L.H.G. cũng khóc ròng: “Lễ hội cắt nước hưởng ứng mùa nóng của BQL Era Town bắt đầu. Nhà mình được đưa vào danh sách ưu tiên cắt nước cho dù tiền nước và gửi xe, phí quản lý dự thu vẫn đóng đủ… Nóng như thế này thì phải làm sao”.

'Cắt nước không có gì là sai’

Trao đổi với Thanh Niên trong sáng 15.4, ông Lê Hồng Thanh, Giám đốc BQL chung cư Era Town xác nhận có việc BQL cắt nước sinh hoạt của một số hộ cư dân.

Lý giải điều này, theo ông Thanh căn cứ vào Quy chế quản lý vận hành nhà chung cư, hợp đồng mua bán căn hộ, nội quy cho thanh toán phí, việc BQL cắt nước của gần 100 hộ không có gì là sai.

“Những hộ bị cắt nước lần này là do không đóng phí quản lý hoặc chỉ đóng một phần phí quản lý. Trước khi cắt chúng tôi đã gửi giấy báo và gọi điện thoại nhiều lần nhưng nhiều hộ vẫn không chấp hành. Hôm nay, một số hộ đóng mức phí theo đúng quy định đã được chúng tôi mở lại nước”, ông Thanh giải thích.

BQL không có quyền cắt nước sinh hoạt

Trả lời câu hỏi BQL có được quyền cắt nước sinh hoạt của cư dân hay không, luật sư (LS) Nguyễn Thạch Thảo (Đoàn LS TP.HCM) khẳng định đây là việc làm hoàn toàn sai.

LS Thảo giải thích theo quy định của Luật nhà ở năm 2014, giá dịch vụ quản lý nhà chung cư được quy định như sau: Giá dịch vụ quản lý vận hành nhà chung cư không bao gồm kinh phí bảo trì phần sở hữu chung, chi phí trông giữ xe, chi phí sử dụng nhiên liệu, năng lượng, nước sinh hoạt, dịch vụ truyền hình, thông tin liên lạc và các chi phí dịch vụ khác phục vụ cho việc sử dụng riêng của chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư.

Như vậy, có thể thấy quy định trên đã thể hiện rõ, chi phí quản lí không bao gồm chi phí sử dụng nhiên liệu, năng lượng, nước sinh hoạt…Các khoản chi phí này sẽ do chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư trực tiếp thanh toán với các đơn vị cung cấp dịch vụ trên.

Nếu trong quá trình sử dụng, họ không thực hiện nghĩa vụ thanh toán các khoản chi phí cho đơn vị cung cấp dịch vụ thì các đơn vị cung cấp dịch vụ đó sẽ có quyền ngưng cung cấp dịch vụ.

LS Thảo cũng bổ sung theo Điều 30 Thông tư 02/2016/TT-BXD trường hợp nhà chung cư đã được bàn giao đưa vào sử dụng nhưng chưa tổ chức được hội nghị nhà chung cư lần đầu thì giá dịch vụ quản lý vận hành do chủ đầu tư quyết định và được ghi rõ trong hợp đồng mua bán, thuê mua căn hộ; sau khi tổ chức được hội nghị nhà chung cư thì giá dịch vụ do hội nghị nhà chung cư quyết định trên cơ sở thống nhất với đơn vị quản lý vận hành.

Trong vụ việc này, giá thỏa thuận ban đầu là 7.000 đồng/mét vuông và hứa hẹn sau khi tổ chức hội nghị nhà chung cư sẽ điều chỉnh phù hợp. Tuy nhiên, trên thực tế thì khi nhận bàn giao nhà thì phí quản lý đã không như thỏa thuận ban đầu. Lẽ ra trong trường hợp này thì để giải quyết vấn đề trên, chủ đầu tư nên cho tiến hành hội nghị nhà chung cư để có căn cứ giải quyết.

“Như vậy, việc BQL tự ý cắt nước các hộ dân không thống nhất được phí quản lý như trên là hoàn toàn sai. Ngừng cung cấp dịch vụ nước hay các dịch vụ khác chỉ được thực hiện khi và chỉ khi các cư dân đó vi phạm nghĩa vụ thanh toán trong quá trình sử dụng và chỉ do các đơn vị cung cấp dịch vụ đó mới có thẩm quyền”, LS Thảo nhận định.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét