19/4/16

Bước tiến mới trong cải tạo chung cư cũ nát

Trên thị trường Tp. Hà Nội hầu hết chung cư cũ đều đang chống chọi với quá trình xuống cấp, thậm chí nhiều khu đã ở mức độ nguy hiểm cần xây dựng lại khẩn cấp. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau, nhiều hộ dân vẫn bám trụ và chấp nhận sống chung với nguy hiểm rình rập
chung-cu-cu-xuong-cap
Nguy hiểm rình rập
Có mặt tại khu chung cư cũ (CCC) G6A Thành Công (Ba Đình, Hà Nội) - một trong hai CCC được đánh giá mức độ nguy hiểm cấp D - nguy hiểm nhất theo thang tiêu chuẩn an toàn kết cấu công trình, chúng tôi chứng kiến sự xuống cấp trầm trọng của tòa nhà này. Cả tòa nhà có ba đơn nguyên thì hai trong số đó thuộc diện phải di dời gấp nhằm bảo vệ an toàn tính mạng người dân. Bên cạnh những bức tường bị nấm mốc, rêu xanh phủ kín, những ô chuồng cọp đua ra nhan nhản tạo nên khung cảnh hỗn độn. Tại khu vực cầu thang, từng mảng vữa bị bong tróc, vương vãi đầy sàn; hệ thống cầu thang nghiêng ngả theo “gánh nặng” thời gian và có thể đổ sập bất cứ lúc nào. Tương tự, tại tòa nhà A Ngọc Khánh, bên cạnh những bức tường loang lổ đen trắng, các đường ống nước được giăng chằng chịt, dây điện mắc như mạng nhện. Cầu thang lên xuống hư hỏng chực sụp, người dân phải dùng các thanh sắt chống tạm.
Bà Nguyễn Thị Thúy, sinh sống tại tòa nhà G6A cho biết, chung cư được xây dựng gần 40 năm, hiện đã nứt, lún khắp nơi. Nhà bị nghiêng rất nhiều, khe tiếp nối giữa hai tòa nhà A ngày càng rộng ra, tạo thành độ vênh chữ V trông rất nguy hiểm. Để bảo đảm an toàn cho các cư dân, UBND phường Thành Công đã gắn biển thông báo yêu cầu các hộ dân chủ động tự tháo dỡ các phần cơi nới trái phép làm ảnh hưởng kết cấu công trình và giảm tải tại khu vực cơi nới,… Tuy nhiên, thông báo là một chuyện, còn thực hiện lại khồng hề đơn giản, bởi phần lớn những hộ dân ở đây là người nghèo, có thu nhập thấp. “Những hộ có điều kiện đã chuyển đi chỗ khác, chỉ những hộ khó khăn mới phải “đánh đu" tính mạng mình thôi” - giọng bà Thúy buồn bã. Chung tâm trạng, ông Lê Mạnh Hồng, trú tại tầng 1 nhà G6A cho biết thêm, kể từ khi Sở Xây dựng Hà Nội thông báo các CCC xuống cấp phải di dời dân nhưng đến nay gia đình ông chỉ nhận được vỏn vẹn hai công văn thông báo danh sách và tình trạng xuống cấp của tòa nhà. Còn các phương án hỗ trợ di dời, đền bù ra sao thì không được biết.
Tình cảnh tương tự đang xảy ra tại TP Hồ Chí Minh. Chung cư Cô Giang được xây dựng vào cuối những năm 60 của thế kỷ trước với gần 900 hộ dân ở 4 lô, được cơ quan chức năng đánh giá có nguy cơ sập, gây nguy hiểm đến tính mạng, tài sản của người dân bất cứ lúc nào. Anh Nhật, một cư dân sống trong tòa nhà chỉ cho chúng tôi những vết nứt chằng chịt trên tường, nhiều hạng mục công trình bị hư hại theo thời gian như: Ban công, vách tường bị nứt, hệ thống thoát nước, điều kiện vệ sinh không bảo đảm. Năm 2006, UBND thành phố chủ trương đầu tư khu căn hộ và trung tâm thương mại tại chung cư Cô Giang với quy mô 1,4 ha gồm 30 tầng, 1.092 căn hộ. Đến năm 2011, mặc dù UBND thành phố đã chỉ đạo tháo dỡ khẩn cấp, nhưng chưa thực hiện được vì hiện vẫn còn khoảng 300 hộ chưa di dời. “Thực tế, những khu tái định cư quá xa chỗ ở cũ và mức giá đền bù chưa thỏa đáng”, anh Nhật cho biết. Chung quanh khu vực quận 1 có đến 89 CCC, nơi sinh sống của 7.000 hộ dân, có nguy cơ đổ sập bất cứ lúc nào. Tuy nhiên, từ nay đến năm 2020, quận chỉ có kế hoạch thay thế tám CCC có nguy cơ đổ sập cao nhất.
Rối như tơ vò
Theo ông Hồng, nhà G6A, Thành Công, Hà Nội, nếu bắt buộc phải đi, người dân mong chờ vào các chính sách hỗ trợ thỏa đáng từ Nhà nước, từ các cấp chính quyền trong việc thực hiện đề án. Phó Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng ban Công tác Mặt trận Tổ dân phố số 12, khu tập thể Thành Công Nghiêm Xuân Tuy khẳng định, đến thời điểm hiện tại quận và phường vẫn chưa có phương án di dời cụ thể dự án nhà G6A. Trước mắt, chính quyền tổ chức vận động người dân tự tháo dỡ những phần cơi nới. Quận Ba Đình cũng chỉ đạo phường Thành Công khảo sát, kiểm tra để xây dựng phương án di dời nhằm bảo đảm tính mạng người dân. Trong trường hợp khẩn cấp xảy ra sự cố, sẽ thực hiện phương án sơ tán các hộ dân ở đơn nguyên 1 sang trường mầm non Họa Mi, đơn nguyên 2 sang trường Tiểu học Thành Công. Còn vấn đề tạm cư cần được bàn bạc kỹ với các hộ dân. Phương án người dân tự tháo dỡ phần cơi nới sẽ không khả thi vì dễ gây mất cân bằng trọng lực, từ đó có thể sập CCC nhanh hơn. Phần lớn người dân đều quan tâm việc tạm cư ở đâu, trong thời gian bao lâu, được hưởng chế độ như thế nào, khu tạm cư có thuận tiện khu vực giao thông, trường học, bệnh viện, chợ, những nhà ở tầng 1 được quy đổi hệ số ra sao,…
Các doanh nghiệp (DN) tỏ ra không “mặn mà” cho dù Chính phủ đã ban hành Nghị định 101/2015/NĐ-CP về cải tạo CCC do ngần ngại với công tác thỏa thuận, bồi thường cho người dân để di dời. Ông Nguyễn Văn Đạt, Chủ tịch HĐQT Công ty Phát Đạt, đơn vị đang cải tạo một số CCC tại TP Hồ Chí Minh cho biết, những DN đầu tư xây dựng CCC không cần Nhà nước hỗ trợ tài chính, chỉ cần hỗ trợ cơ chế, chính sách như: Tăng hệ số sử dụng đất, mật độ xây dựng... Khi đó họ sẽ có đủ chi phí để đền bù người dân với mức giá cao hơn so với thị trường. Người dân nhận tiền, tạm cư gần đó, được bố trí vào ở với căn nhà trong chung cư mới tương đương diện tích căn hộ cũ. Tuy nhiên, khi bồi thường giải tỏa, nếu số đông người dân đồng ý DN cần Nhà nước can thiệp, tiến hành giải tỏa để bàn giao mặt bằng. “Một dự án bị ngưng trệ nhiều năm chỉ vì một vài hộ dân thì không DN nào dám đầu tư”, ông Đạt khẳng định. Giám đốc công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích quận 5 Nguyễn Thành Phương, cũng là chủ đầu tư nhiều dự án CCC quy mô lớn như: Chung cư 727 Trần Hưng Đạo, Soái Kình Lâm, 194 Đỗ Ngọc Thạnh… kiến nghị: Một số ưu đãi về tiền sử dụng đất, thuế, mật độ tầng cao xây dựng gấp 1,5 lần… cho đến nay vẫn còn trên giấy, tiến độ cập nhật vào thực tế còn chậm. Do vậy, cần đẩy nhanh ban hành văn bản liên quan cải tạo CCC. DN cần Nhà nước quy định rõ nhà đầu tư được kinh doanh thương mại số căn hộ dôi ra theo cơ chế, tỷ lệ nào…
Bên cạnh đó, mối ràng buộc trong đầu tư cải tạo CCC mà không làm tăng mật độ dân số, không ảnh hưởng quy hoạch phát triển chung của thành phố… cũng khiến các DN ngại. Đồng thời, DN còn bị vướng bởi chi phí bồi thường quá cao trong khi hệ số sử dụng đất hầu như không thay đổi so với hiện trạng, dẫn đến bài toán kinh tế không có hiệu quả. Nhiều chuyên gia cho rằng, việc triển khai các dự án cải tạo CCC hiện nay không đồng bộ. Quy hoạch (theo quy định do Nhà nước thực hiện) phải đi trước một bước, nhưng cơ quan quản lý nhà nước lại giao cho chủ đầu tư kinh doanh bất động sản lập quy hoạch chi tiết, thiết kế công trình, dẫn đến tình trạng lộn xộn. Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam Trần Ngọc Hùng nhận định, các nhà đầu tư chỉ quan tâm các khối nhà có vị trí đẹp, được nâng cao hệ số sử dụng đất, mật độ xây dựng, chiều cao công trình, từ đó tăng thêm số lượng căn hộ để bán, thu lợi nhuận lớn. Điển hình là Dự án Hoàng Anh River View tại TP Hồ Chí Minh hay nhà D2 Giảng Võ tại Hà Nội. Những dự án sau này không còn được ưu đãi thì chẳng thấy bóng dáng các nhà đầu tư, và đương nhiên đều bế tắc.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét